Theo Kian Yeik Koay và cộng sự (2024), khách hàng lựa chọn đi ăn một mình có thể vì:
(1) Muốn tận hưởng cảm giác dễ chịu, thoải mái và “sống trọn khoảnh khắc”
(2) Muốn tiết kiệm chi phí, tự quyết định nên ăn gì mà không lệ thuộc vào người khác
(3) Muốn gặp gỡ bạn bè mới, mở rộng kết nối
(4) Muốn thư giãn, không vướng bận muộn phiền cuộc sống.
Với những khách hàng muốn “sống trọn khoảnh khắc”, tìm kiếm niềm vui mới trong cuộc sống, được khám phá những món ăn mới, ẩm thực với họ là những “cuộc phiêu lưu kỳ thú”. Và có lẽ đó là lý do tại sao những bữa ăn Omakase – với thực đơn được giữ bí mật và luôn thay đổi theo sự lựa chọn của đầu bếp – luôn mang lại cho thực khách sự phấn khởi, hào hứng khi thưởng thức ẩm thực.
“Tiết kiệm chi phí” là lý do phổ biến nhất để đi ăn 1 mình theo ghi nhận của Kian Yeik Koay và cộng sự (2024). Các set menu trải dài từ Appetizers đến Dessert với khẩu phần vừa đủ, mức giá hợp lý hoặc các chương trình khuyến mại đặc biệt (Happy Hour, chiết khấu cho người đi ăn một mình) có thể sẽ là một số chiến lược mà các nhà hàng nên cân nhắc.
Een Maal – một trong những nhà hàng đi đầu của phong trào “bình thường hóa việc đi ăn 1 mình” không chỉ có kiến trúc đặc biệt chỉ bao gồm các bộ 1 bàn – 1 ghế trong không gian tối giản mà còn có chính sách khuyến cáo khách hàng không sử dụng điện thoại khi dùng bữa – từ đó tôn lên sự hấp dẫn của việc “mất kết nối” và giúp thực khách tạm lánh xa những bộn bề của công việc, cuộc sống.
Supper Club hay Pop-up Restaurants cũng đang là 1 thuật ngữ phổ biến ở Anh Quốc, dùng để chỉ việc những chủ nhà đăng ký với 1 đơn vị thứ 3 để tổ chức những bữa ăn “tại gia” và thực khách có thể để dùng bữa, gặp gỡ người mới. EatWith là 1 ví dụ điển hình của hình thức này: họ kết nối khách du lịch với những đầu bếp địa phương đứng ra tổ chức bữa ăn tại chính nhà của họ, và sự nghiêm ngặt trong khâu lựa chọn chủ nhà giúp đảm bảo 1 trải nghiệm thú vị mà chất lượng cao dành cho khách hàng là người đi du lịch 1 mình.