Theo một nghiên cứu của Hubspot, có đến hơn 72% thành viên thuộc thế hệ Y và Z có hành vi theo dõi Influencers trên mạng xã hội. Kết quả khảo sát của Influencer Marketing Hub cũng cho thấy vai trò của Influencer Marketing ngày càng quan trọng, chiếm đến 40% trong tổng ngân sách Marketing của doanh nghiệp.
Thông qua influencers, doanh nghiệp truyền tải thông điệp đến người mua hàng tiềm năng và thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm của thương hiệu.
Tuy nhiên, người tiêu dùng đủ thông minh để nhận biết được đâu là một nguồn thông điệp đáng tin cậy. User Generated Content trở thành xu hướng khiến cho số lượng người theo dõi không còn là tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn 1 Influencer cho chiến dịch nữa.
Điểm then chốt của chiến dịch Influencer Marketing nằm ở việc lựa chọn được Influencer phù hợp với thương hiệu và tạo được sự tin tưởng của khách hàng khi truyền thông qua người đó.
Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp nói chung và chủ nhà hàng, khách sạn,…nói riêng, tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch Influencer Marketing, từ đó mang lại lợi ích về mặt thương hiệu và những chỉ số kinh doanh tích cực?
Sở dĩ khách hàng theo dõi Influencers chính là vì muốn theo dõi cuộc sống và những trải nghiệm được chia sẻ trên trang cá nhân của họ. Khi tìm kiếm một nơi để ăn uống, trải nghiệm, nội dung dưới dạng blog, hình ảnh và video từ influencers sẽ trở nên cực kỳ hữu ích để khách hàng có được những hình dung ban đầu về những dịch vụ mà họ muốn hay không muốn sử dụng.
Trang cá nhân của influencers từ đó có vai trò như một trong rất nhiều các điểm chạm giữa thương hiệu với khách hàng. Họ cần thời gian để tiếp nhận, kiểm chứng thông tin cũng như cân nhắc trước khi ra quyết định; và không phải tất cả người theo dõi của 1 influencer sẽ thực sự nghe theo khuyến nghị. Nhưng nếu thông điệp mà Influencer xây dựng đủ hấp dẫn, bắt mắt, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của khách hàng thì tỷ lệ chuyển đổi sẽ cao, kéo theo đó là User Generated Content được sản xuất, lan tỏa trong cộng đồng người tiêu dùng. Đó mới là những mục tiêu quan trọng nhất của Influencer Marketing.
Theo thống kê của Influencer Marketing Hub, xu hướng nổi bật hiện tại chính là sử dụng nano- (dưới 10,000 người theo dõi) và micro-influencers (10,000 – 100,000 người theo dõi), bởi những người này có sự gắn kết mạnh mẽ hơn, engagement tốt hơn trên các nền tảng. Số lượng người theo dõi chỉ cho thấy khả năng phủ sóng của influencers, nhưng engagement mới là yếu tố cho thấy khả năng nội dung được tiêu thụ trong một cộng đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải cân nhắc đến sự tương thích giữa hình ảnh thương hiệu và 1 influencer, hay nói cách khác, influencer đó đang sản xuất những nội dung gì, cho ai tiêu thụ, và những nội dung đó, những khách hàng đó có bao gồm trong mục tiêu marketing của doanh nghiệp? Hiển nhiên rằng khi một nhà hàng ở phân khúc thấp thực hiện quảng bá trên kênh của một influencers chuyên về fine-dining và trải nghiệm ẩm thực cao cấp, sự tương thích là bằng 0.
Việc đảm bảo influencers sản xuất nội dung bám sát với tinh thần thương hiệu là cần thiết, nhưng đôi lúc đặt ra quá nhiều giới hạn, nguyên tắc khiến cho influencers không còn không gian để sáng tạo và “kể câu chuyện” theo cách của họ. Một hệ lụy của việc này chính là có sự lặp lại về nội dung và thông điệp giữa các influencers khác nhau, trên các nền tảng khác nhau, khiến khách hàng dễ dàng nhận diện được đó là nội dung được trả phí.
Nếu không chia sẻ trải nghiệm một cách chân thực thì khách hàng sẽ rất khó tin tưởng thương hiệu, tỷ lệ chuyển đổi của chiến dịch cũng vì thế mà không cao. Vì vậy khi thiết kế chiến dịch Influencer Marketing, sự linh hoạt phải đi song song với thương hiệu trong xuyên suốt quá trình.