Comfort Food – Khi thức ăn là liều thuốc chữa lành
Nếu đã là người làm trong ngành F&B, chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe đến cụm từ “Comfort Food”. Từ hình ảnh những người phụ nữ ăn kem lạnh mỗi khi thất tình thường thấy trong phim Mỹ đến hình ảnh những người đàn ông uống cạn một ly bia đầy sau 1 ngày làm việc mệt mỏi, đó đều là ví dụ của “comfort food”. “Comfort” nghĩa là “an ủi”, và “comfort food” là những món ăn chúng ta thường tìm đến mỗi khi trải qua những suy sụp về tinh thần, chất chứa quá nhiều phiền muộn.
Tuy nhiên cũng có 1 số ý kiến cho rằng ý niệm về “comfort food” thực chất cũng chỉ là tưởng tượng, vẫn còn nhiều nghi vấn xoay quanh việc “comfort food” có thực sự mang lại những biến chuyển tích cực về tinh thần, tâm lý,… Là người làm Marketing, trước khi quảng cáo với khách hàng rằng sản phẩm của chúng ta cũng là 1 dạng “comfort food” và có thể giúp giải tỏa lo âu như 1 liều thuốc chữa lành, liệu chúng ta đã hiểu, đủ nhiều và đúng, về “comfort food”?
“Comfort food” không phải lúc nào cũng sẽ là các món nhiều đường, nhiều dầu mỡ như thường thấy trên phim ảnh. Đôi lúc một người tìm thấy sự an ủi ở một món ăn bởi vì món ăn đó gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ của họ và gợi nhớ về khoảng thời gian hạnh phúc. Lựa chọn một món ăn được xem là “comfort food” cũng vì thế mà khác nhau giữa nhiều người và giữa nhiều nền văn hóa. Có thể thấy với người Mỹ, họ vốn đã quen với thức ăn nhanh và sự thuận tiện của nó, nhưng với người Việt Nam, được thưởng thức một bát phở bò với nước ninh xương nóng hổi trong tiết trời lạnh giá mới được xem là “comfort”.
Các nhà sinh học cũng đã từng cố gắng làm rõ cơ chế tạo nên sự hạnh phúc của “comfort food”. Ví dụ như các món ngọt và nhiều calories – chúng được xem là có thể sản xuất ra serotonin và peptid opioid nội sinh có tác dụng làm giảm bớt cảm xúc tiêu cực.
Phản ứng của chúng ta đối với hương vị, kết cấu món ăn cũng khác nhau tùy theo mức độ lo âu, tiêu cực tại. Ví dụ như khi căng thẳng, chúng ta có xu hướng ăn nhiều đồ ngọt hơn. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng “comfort food” cũng có thể được tiêu thụ khi con người trải qua cảm xúc tích cực, đặc biệt là với người lớn tuổi.
Nhìn chung, rất khó để chúng ta quy kết 1 tính chất nào đó để phân định được 1 món ăn có thể sẽ trở thành “comfort food” hay không. Yếu tố “comfort” của “comfort food” không đến từ những đặc tính dễ nhìn thấy như lượng calories, mùi hương, hình thức,…mà đến từ sự kết nối cảm xúc với mỗi cá nhân. Nolstagic Marketing có thể sẽ là chiến lược phù hợp đối với loại sản phẩm này, và bản thân mỗi hoạt động tương tác, tiếp xúc với khách hàng cũng nên thể hiện được sự “comfort” mới có thể thành công chứng thực cho sản phẩm.
Leave a Reply